Đo ECG bằng ứng dụng ECG trên Apple Watch
Bạn có thể đo điện tâm đồ (ECG) bằng ứng dụng ECG.
ECG là gì
Điện tâm đồ (còn gọi là ECG hay EKG) là phương pháp kiểm tra nhằm ghi lại thời gian và cường độ của các tín hiệu điện tạo nên nhịp tim. Khi nhìn vào ECG, bác sĩ có thể nắm được thông tin chuyên sâu về nhịp tim của bạn và tìm kiếm những điểm bất thường.
Cách sử dụng ứng dụng ECG
Ứng dụng ECG có thể ghi lại nhịp tim cũng như nhịp của bạn nhờ cảm biến nhịp tim bằng điện trên Apple Watch Series 4 trở lên và tất cả các kiểu máy Apple Watch Ultra* sau đó kiểm tra bản ghi để phát hiện tình trạng rung nhĩ (AFib), một dạng nhịp không đều.
Ứng dụng ECG ghi lại điện tâm đồ biểu thị các xung điện tạo nên nhịp tim. Ứng dụng ECG kiểm tra những xung này để lấy nhịp tim và xem buồng tim trên và dưới của bạn có cùng nhịp với nhau không. Nếu chúng không cùng nhịp, thì đó có thể là biểu hiện của AFib.
Những điều bạn cần thực hiện:
Đảm bảo ứng dụng ECG có ở quốc gia hoặc khu vực của bạn. Tìm hiểu những nơi có ứng dụng ECG.
Cập nhật iPhone lên phiên bản iOS mới nhất và Apple Watch lên phiên bản watchOS mới nhất.
Ứng dụng ECG không dành cho người dưới 22 tuổi.
Cài đặt và thiết lập ứng dụng ECG
Hãy làm theo các bước sau để thiết lập ứng dụng ECG:
Mở ứng dụng Sức khỏe trên iPhone.
Làm theo các bước trên màn hình. Nếu bạn không nhìn thấy lời nhắc thiết lập, hãy chạm vào tab Duyệt, sau đó chạm vào Tim > Điện tâm đồ (ECG) > Thiết lập ứng dụng ECG.
Sau khi bạn thiết lập xong, hãy mở
để đo ECG.
Nếu bạn vẫn không thấy ứng dụng này trên Apple Watch, hãy mở Ứng dụng Watch trên iPhone rồi chạm vào Tim. Trong phần ECG, hãy chạm vào Cài đặt để cài đặt ứng dụng ECG.
Đo ECG
Bạn có thể đo ECG bất cứ lúc nào, khi bạn cảm thấy các triệu chứng như tim đập nhanh hoặc lỡ nhịp, khi bạn có những mối lo ngại chung khác về sức khỏe tim mạch hoặc khi bạn nhận được thông báo nhịp không đều.
Đảm bảo Apple Watch vừa vặn và ở trên cổ tay mà bạn đã chọn trong ứng dụng Apple Watch. Để kiểm tra, hãy mở ứng dụng Apple Watch, chạm vào tab Đồng hồ của tôi, sau đó vào Cài đặt chung > Hướng đồng hồ.
Mở
trên Apple Watch.Đặt cánh tay của bạn trên bàn hoặc trên đùi.
Đặt tay đối diện với đồng hồ, giữ ngón tay trên Digital Crown. Bạn không cần nhấn Digital Crown trong suốt phiên.
Vui lòng đợi. Quá trình ghi sẽ mất 30 giây. Vào cuối quá trình ghi, bạn sẽ nhận được một phân loại, sau đó bạn có thể chạm vào Thêm triệu chứng và chọn các triệu chứng của mình.
Chạm vào Lưu để ghi lại mọi triệu chứng, sau đó chạm vào Xong.
Cách đọc kết quả
Sau khi đo thành công, bạn sẽ nhận được một trong các loại kết quả sau trên ứng dụng ECG. Dù kết quả như thế nào, nếu bạn cảm thấy không khỏe hoặc có bất kỳ triệu chứng nào, bạn nên thông báo cho bác sĩ của mình.
Nhịp xoang
Kết quả nhịp xoang có nghĩa là tim đang đập theo một mô hình đồng nhất từ 50 đến 100 BPM. Tình trạng này diễn ra khi buồng trên của tim đập cùng nhịp với buồng dưới. Kết quả nhịp xoang chỉ áp dụng cho bản ghi cụ thể đó và không có nghĩa là tim của bạn đập theo một mô hình nhất quán. Kết quả này cũng không có nghĩa là bạn khỏe mạnh. Nếu bạn cảm thấy không khỏe hoặc có bất kỳ triệu chứng nào, bạn nên thông báo cho bác sĩ của mình.
Rung nhĩ
Kết quả AFib có nghĩa là tim đang đập theo một mô hình không đều. AFib là dạng phổ biến nhất của chứng rối loạn nhịp tim nghiêm trọng hoặc nhịp tim không đều. Nếu bạn nhận được phân loại AFib và chưa từng được chẩn đoán bị rung nhĩ, bạn nên thông báo cho bác sĩ của mình. Ứng dụng ECG phiên bản 1 có thể kiểm tra AFib trong khoảng từ 50 đến 120 BPM. Ứng dụng ECG phiên bản 2 có thể kiểm tra AFib trong khoảng từ 50 đến 150 BPM.
Tìm hiểu thêm về tính sẵn có của phiên bản ứng dụng ECG và tìm hiểu xem bạn đang sử dụng phiên bản nào.
Nhịp tim thấp hoặc cao
Nhịp tim dưới 50 BPM hoặc trên 120 BPM trong ECG phiên bản 1 ảnh hưởng đến khả năng kiểm tra AFib của ứng dụng ECG. Trong ECG phiên bản 2, nhịp tim dưới 50 BPM hoặc trên 150 BPM ảnh hưởng đến khả năng kiểm tra AFib của ứng dụng ECG.
Nhịp tim có thể thấp vì các loại thuốc nhất định hoặc nếu tín hiệu điện không được dẫn đúng cách qua tim. Việc rèn luyện để trở thành vận động viên ưu tú cũng có thể dẫn đến nhịp tim thấp.
Nhịp tim cao có thể do tập thể dục, căng thẳng, lo lắng, uống rượu bia, mất nước, nhiễm trùng, AFib hoặc các chứng rối loạn nhịp tim khác.
Chưa có kết luận
Kết quả chưa có kết luận nghĩa là không thể phân loại bản ghi. Điều này có thể là do một trong các tình huống sau:
Trong phiên bản ECG 1, nhịp tim của bạn nằm trong khoảng từ 100 đến 120 BPM và bạn không bị AFib.
Bạn có máy trợ tim hoặc máy khử rung tim cấy ghép (ICD).
Kết quả ghi có thể cho thấy dấu hiệu của các chứng rối loạn nhịp tim hoặc bệnh tim khác mà ứng dụng không được thiết kế để nhận biết.
Các tình trạng bệnh lý hoặc thuốc nhất định có thể khiến một tỷ lệ nhỏ người dùng không tạo ra đủ tín hiệu để tạo nên một bản ghi tốt.
Đối với ECG phiên bản 1, bạn cũng có thể nhận được kết quả chưa có kết luận nếu bạn không đặt cánh tay trên bàn trong khi ghi hoặc bạn đeo Apple Watch quá lỏng. Tìm hiểu cách nhận kết quả chính xác nhất.
Bản ghi không tốt
Phân loại này chỉ có trong ECG phiên bản 2. Bản ghi không tốt có nghĩa là không thể phân loại kết quả. Nếu bạn nhận được kết quả Bản ghi không tốt, bạn có thể thử một số thao tác sau để có bản ghi tốt hơn.
Đặt cánh tay trên bàn hoặc trên đùi trong khi thực hiện bản ghi. Cố gắng thư giãn và không di chuyển quá nhiều.
Hãy nhớ đeo Apple Watch vừa khít trên cổ tay. Dây đeo cần vừa vặn và mặt lưng của Apple Watch phải tiếp xúc với cổ tay của bạn.
Đảm bảo cả cổ tay và Apple Watch đều sạch và khô. Nước và mồ hôi có thể gây ra bản ghi không tốt.
Nhớ đeo Apple Watch trên cổ tay bạn chọn trong phần Cài đặt.
Di chuyển ra xa khỏi bất kỳ thiết bị điện tử nào đang cắm vào ổ cắm để tránh nhiễu điện.
Xem và chia sẻ thông tin về Sức khỏe
Dạng sóng ECG, các kiểu phân loại liên quan và mọi triệu chứng đã ghi lại sẽ được lưu trong ứng dụng Sức khỏe trên iPhone hoặc iPad. Bạn cũng có thể chia sẻ tệp PDF với bác sĩ của mình.
Mở ứng dụng Sức khỏe trên iPhone hoặc iPad.
Nếu bạn đang dùng iPhone, hãy chạm vào Duyệt. Nếu bạn đang sử dụng iPad, hãy chạm vào
.Chạm vào Tim, sau đó chạm vào Điện tâm đồ (ECG).
Chạm vào biểu đồ để biết kết quả ECG của bạn.
Chạm vào Xuất tệp PDF cho bác sĩ của bạn.
Chạm vào
để in hoặc chia sẻ tệp PDF.
Cách nhận kết quả chính xác nhất
Đặt cánh tay trên bàn hoặc trên đùi trong khi thực hiện bản ghi. Cố gắng thư giãn và không di chuyển quá nhiều.
Hãy nhớ đeo Apple Watch vừa khít trên cổ tay. Dây đeo cần vừa vặn và mặt lưng của Apple Watch phải tiếp xúc với cổ tay.
Đảm bảo Apple Watch ở trên cổ tay mà bạn đã chọn trong ứng dụng Apple Watch. Để kiểm tra, hãy mở ứng dụng Apple Watch, chạm vào tab Đồng hồ của tôi, sau đó vào Cài đặt chung > Hướng đồng hồ.
Di chuyển ra xa khỏi bất kỳ thiết bị điện tử nào đang cắm vào ổ cắm để tránh nhiễu điện.
Một tỷ lệ nhỏ người dùng có thể có một số tình trạng bệnh lý nhất định nên không thể tạo ra đủ tín hiệu để tạo nên một bản ghi tốt, ví dụ: vị trí của tim trong lồng ngực có thể thay đổi mức tín hiệu điện, điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng lấy số đo của ứng dụng ECG.
Không được tiếp xúc với chất lỏng để ứng dụng ECG hoạt động bình thường. Nếu Apple Watch và/hoặc da không hoàn toàn khô thì có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng ứng dụng ECG. Đảm bảo rằng cổ tay và bàn tay của bạn khô hoàn toàn trước khi đo. Để đảm bảo có được kết quả đo chính xác nhất sau khi bơi, tắm vòi sen, đổ nhiều mồ hôi hoặc rửa tay, hãy vệ sinh và làm khô Apple Watch. Có thể phải mất từ một giờ trở lên thì Apple Watch mới khô hoàn toàn.
Những điều bạn cần biết
Ứng dụng ECG không thể phát hiện cơn đau tim. Nếu bạn từng bị đau ngực, đè ép ngực, đau thắt ngực hoặc hiện tượng mà bạn cho rằng đó là một cơn đau tim, hãy gọi ngay cho dịch vụ khẩn cấp.
Ứng dụng ECG không thể phát hiện cục máu đông hoặc đột quỵ.
Ứng dụng ECG không thể phát hiện các bệnh lý khác liên quan đến tim. Các bệnh lý này bao gồm huyết áp cao, suy tim sung huyết, cholesterol cao hoặc các dạng rối loạn nhịp tim khác.
Nếu bạn cảm thấy không khỏe hoặc có bất kỳ triệu chứng nào, hãy thông báo cho bác sĩ của bạn hoặc phải đến gặp bác sĩ ngay.
Cách hoạt động của ứng dụng ECG
Ứng dụng ECG trên Apple Watch Series 4 trở lên và tất cả các kiểu máy Apple Watch Ultra tạo ra một ECG tương tự như ECG một đạo trình (hay Đạo trình I). ECG 12 đạo trình tiêu chuẩn thường được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ. ECG 12 đạo trình này ghi lại tín hiệu điện từ các góc khác nhau trong tim để tạo ra mười hai dạng sóng khác nhau. Ứng dụng ECG trên Apple Watch đo dạng sóng tương tự như một trong mười hai dạng sóng đó. ECG một đạo trình có thể cung cấp thông tin về nhịp tim và giúp phân loại AFib. Tuy nhiên, không thể sử dụng ECG một đạo trình để xác định các tình trạng khác, như đau tim. ECG một đạo trình thường được bác sĩ chỉ định để mọi người thực hiện ở nhà hoặc trong bệnh viện để bác sĩ có thể hiểu rõ hơn về nhịp tim và nhịp tim cơ bản. Tuy nhiên, bạn có thể dùng ứng dụng ECG trên Apple Watch Series 4 trở lên và tất cả các kiểu máy Apple Watch Ultra để tạo ECG tương tự như ECG một đạo trình mà không cần có chỉ định của bác sĩ.
Trong các nghiên cứu so sánh ứng dụng ECG trên Apple Watch với ECG 12 đạo trình tiêu chuẩn được thực hiện cùng lúc, đã có sự thống nhất giữa việc phân loại nhịp của ứng dụng ECG là xoang hoặc AFib so với ECG 12 đạo trình tiêu chuẩn.
Khả năng ứng dụng ECG phân loại chính xác kết quả ECG vào AFib và nhịp xoang đã được thử nghiệm lâm sàng trên khoảng 600 đối tượng và cho thấy độ đặc hiệu 99,6% trong phân loại nhịp xoang và độ nhạy 98,3% trong phân loại AFib đối với các kết quả đo có thể phân loại.
Kết quả xác nhận lâm sàng phản ánh việc sử dụng trong môi trường được kiểm soát. Việc sử dụng ứng dụng ECG trong thế giới thực có thể dẫn đến số lượng dải nhiều hơn được coi là chưa có kết luận và không thể phân loại được.
Tìm hiểu thêm
* Ứng dụng ECG không được hỗ trợ trên Apple Watch SE hoặc với Apple Watch For Your Kids.